CẨM NANG TÌM PHÒNG TẠI ÚC

A. Kiến thức chung về nhà ở tại Úc

0. Thư ngỏ

Thân gửi bạn!

Student Life Care cám ơn bạn đã liên lạc Student Life Care để mong muốn sử dụng dịch vụ, Student Life Care rất tiếc và xin lỗi đã chưa thể cung cấp được dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bạn.

Student Life Care được thành lập từ 2014 với đội ngũ Founder đều là các cựu du học sinh đã từng học tập và sống tại Úc, chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn khi đến Úc vì thế chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn mang lại giá trị cao nhất cho những thế hệ học sinh tiếp theo có một hành trình du học thuận lợi và tối ưu hơn. Mặc dù chưa thể cung cấp được dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bạn, chúng tôi cũng xin được tặng bạn “Cẩm nang tìm phòng” đã được Student Life Care đúc kết từ việc hỗ trợ hơn 13000 du học sinh, hy vọng cẩm nang này cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại hình phòng, luật thuê nhà, các tip thuê nhà… hy vọng sẽ phần nào giúp bạn trong quá trình tìm phòng ở Úc sắp tới.

Chúng tôi xin chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất trong hành trình du học sắp tới.

Trân trọng.

1. Chủ nhà

Chủ nhà của bạn có thể là chủ của căn nhà (Property Owner), hoặc là người thuê chính (Head tenant) tức là người đứng ra thuê từ chủ nhà rồi cho thuê lại. Người thuê chính cũng có quyền như chủ nhà.

2. Các loại hình phòng thuê tại Úc

  • Phòng ở ghép (Room shared with others)
  • Phòng đơn (Single Room)
  • Phòng có toilet riêng (Master Room)
  • Phòng khép kín (Studio, căn 1 ngủ, 2 ngủ) 

3. Nội thất trong phòng

  • Furnished: Phòng có nội thất. (thường có giường, tủ bàn, ghế)
  • Un Furnished: Phòng không có đồ (có thể có tủ) 

4. Tiền đặt cọc (tiền bond)

  • Có thể bằng từ 2-4 tuần, hoặc 1 tháng tiền, sẽ được trả lại khi bạn chuyển ra và không làm hỏng hóc đồ gì trong nhà. 
  • Tiền đặt cọc có thể được giữ bởi cơ quan của chính phủ, hoặc chủ nhà, bạn nên hỏi rõ là tiền đặt cọc ai là người giữ (nếu chủ nhà giữ thì cần có xác nhận từ chủ nhà là chủ nhà đã nhận tiền đặt cọc của bạn) 

5. Tiền thuê & cách thức trả

  • Chủ nhà có thể yêu cầu trả tiền thuê: 2 tuần/ lần; 4 tuần / lần; 1 tháng/ lần
  • Cần hỏi chủ nhà xem tiền thuê có bao gồm hoá đơn điện nước internet... hay chưa
  • Cách qui đổi tiền thuê từ tuần ra tháng: 
  • Nếu tiền thuê là $200/ tuần = 200 x 52 (tuần) / 12 tháng = $867/ tháng 
  • Tiền thuê có thể trả theo các cách sau: 
- Qua chuyển khoản (Online banking): khi chuyển đã có lưu lại lệnh chuyển rồi, nhưng bạn vẫn cần nhắn chủ nhà xác nhận là đã nhận được tiền chưa nhé.
- Bằng tiền mặt (Cash): khi trả bằng tiền mặt hãy lấy Biên nhận từ chủ nhà (Biên nhận này có thể là các xác nhận đơn giản qua email hoặc tin nhắn từ chủ nhà là chủ nhà đã nhận được tiền và tiền này là tiền thuê nhà tháng …) 
- Tự động trừ ở tài khoản (Direct Debit): khi bạn đồng ý, tiền thuê nhà có thể tự động trừ trong tài khoản của bạn vào thời điểm nhất định đã được thống nhất 

6. Các điểm quan trọng trong hợp đồng thuê

  • Ngày bắt đầu thuê (start date)
  • Ngày kết thúc thuê (end date)
  • Số tiền đã đóng (amount paid)
  • Số tiền cần phải đóng (amount due)
  • Tiền thuê (rent amount)
  • Thời gian trả tiền thuê (Rent due on)
  • Phương Thức trả tiền thuê (Rent payment method)
  • Thời gian cần báo trước khi chuyển ra (Notice to end lease)
  • Tiền đặt cọc đảm bảo (Bond amount)
  • Ai giữ tiền bond (Bond is held by)
  • Các hoá (Bills: electricity, water, gas, internet)
  • Nội qui trong nhà (House rules)


B. Nhưng lưu ý khi thuê nhà tại Úc

0. Các thông tin quan trọng khi tìm phòng

  • “Tiền nào của nấy” giá thuê sẽ phụ thuộc vào chất lượng nhà và độ tiện lợi của nhà.
  • Các nhà ở gần khu vực Ga tầu thường có giá thuê cao hơn.
  • Nhà cho thuê thường chỉ có các nội thất cơ bản: Giường, đệm, tủ…
  • Giá thuê phòng có nhà tắm riêng sẽ cao hơn phòng đơn.
  • Thông thường nhà có 3-4 phòng ngủ và 1-2 phòng tắm và toilet; phòng tắm và toilet thường tách biệt.
  • Phần lớn các nhà đều không có điều hoà, chỉ có những nhà rất mới sẽ có điều hoà nhưng đồng nghĩa giá thuê sẽ cao. Vì ở Úc nhiệt độ bạn ngày sẽ chênh với buổi tối, thường buổi tối có thể xuống 20 độ, ban ngày nóng thì mọi người đều đi làm đi học, buổi tối thì đã mát hơn, nên thường các nhà thuê không có điều hoà, chỉ cần quạt là đủ.
  • Các phòng thuê có thể không có khoá phòng, thường các phòng thuê đều thuê của nhà dân, ở Úc văn hoá tôn trọng cá nhân và gõ cửa khi vào cộng với văn hoá gần gũi giữa các thành viên trong gia đình, nên các phòng thường được thiết kế không có khoá phòng.
  • Bạn cùng nhà thuê thường có thể có cả nam cả nữ, và đến từ các quốc gia khác nhau, thường sẽ hiếm nhà toàn nữ, hoặc đến từ cùng một quốc gia.
  • Quạt điện là vật dụng thường phải tự mua thêm.
  • Chăn gối, ga trải giường cũng là đồ học sinh cần tự chuẩn bị.

Tìm nhà tại nước ngoài là một việc rất khó khăn vì nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố:
Mong muốn của mình (thường có địa điểm, giá nhà, thời gian hợp đồng, loại phòng, thời gian bắt đầu thuê). Riêng những điểm trên để tìm phòng phù hợp với mình cũng là khó rồi và nếu có thêm những yêu cầu khác thì việc tìm kiếm thông tin nhà cũng đã chỉ có được không nhiều lựa chọn.


=> Càng nhiều yêu cầu, càng ít lựa chọn. Bạn nên đưa ra những tiêu chí nào là quan trọng nhất, những tiêu chí nào là ít quan trọng hơn (ví dụ: giá cả, khoảng cách, chất lượng nhà…)

Ngoài ra các yêu tố như chủ nhà, cạnh tranh từ các bạn thuê nhà khác (học sinh đang học tại Úc, học sinh Quốc tế chuẩn bị sang học tại Úc) cũng ảnh hưởng khá nhiều: có thể những nhà mình thích thì chủ nhà lại không đồng ý cho mình thuê, rồi nhiều lúc trong thời gian mình nghĩ thôi thì cũng đã có người khác thuê mất rồi. Thông thường những nhà mình thích thì cũng lại có nhiều người khác cũng thích.

=> Không phải chỉ một mình mình đi thuê nhà 

1. Trước khi thuê nhà:

  • Đọc kỹ quảng cáo nhà, hỏi những điều chưa rõ
  • Nhờ bạn hoặc người thân đi xem hộ phòng thuê
  • Đọc kỹ thông tin hợp đồng, trước khi ký và chuyển tiền đặt cọc.
  • Giữ lại 1 bản hợp đồng và các biên nhận đã chuyển tiền cho chủ nhà

2. Khi bắt đầu thuê nhà

  • Kiểm tra độ an toàn của ngôi nhà, nếu có vấn đề hỏi ngay chủ nhà
  • Kiểm tra cẩn thận phòng, chụp lại ảnh những chỗ đã bị hư hỏng nếu có và gửi qua email cho chủ nhà, yêu cầu chủ nhà xác nhận hoặc sửa chữa.
  • Yêu cầu hoá đơn cho tất cả các khoản tiền đóng cho chủ nhà.
  • Hỏi kỹ chủ nhà về hướng dẫn sử dụng các đồ trong nhà như (máy giặt, tủ lanh, lò vi sóng, lò nướng..) nếu có, để tránh làm hỏng hóc. Người thuê sẽ phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
  • Hỏi chủ nhà về nội qui trong nhà, những khu vực để đồ của mình ở bếp, ở trong tủ lạnh.

3. Trong quá trình thuê nhà

  • Liên lạc chủ nhà ngay khi có vấn đề phát sinh, dùng email hoặc tin nhắn
  • Trả tiền nhà đúng hạn
  • Giữ lại các biên nhận nộp tiền cho chủ nhà.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, việc này sẽ giúp tránh các vấn đề phát sinh với chủ nhà khi chủ nhà đến kiểm tra định kỳ.
  • Làm theo nội qui trong nhà.
  • Tôn trọng quyền riêng tư của các bạn trong nhà.
  • Không được tự ý sửa chữa hoặc thay đổi bất cứ vật gì trong nhà nếu chưa có sự cho phép từ chủ nhà. Ví dụ: các phòng thường không được lắp khoá, người thuê không được tự động lắp khoá phòng nếu chưa được sự cho phép từ chủ nhà…
  • Người thuê không được phép nuôi thú nếu chưa xin phép chủ nhà, nếu chủ nhà phát hiện người thuê nuôi thú mà chưa được sự đồng ý, chủ nhà có quyền chấm dứt hợp đồng và mời người thuê rồi khỏi nhà ngay lập tức.

4. Trong quá trình thuê nhà

  • Hiểu rõ và thực hiện theo nội quy của nhà (thường chủ nhà có thể đưa ra, hoặc các bạn trong nhà sẽ cùng đưa ra) 
  • Với những khu vực chung cần dọn dẹp sạch sẽ sau khi sử dụng (khu vực phòng khách, bếp, nhà tắm, toilet) 
  • Phân chia những chỗ để đồ trong bếp, trong tủ lạnh với các bạn trong nhà, để đồ của mình đúng chỗ. 
  • Phân chia việc đổ rác tuần 1 lần với các bạn trong nhà 
  • Tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của các bạn trong nhà 
  • Không làm ồn ảnh hưởng đến các bạn khác (Đa số tường nhà làm bằng gỗ nên cách âm rất kém) 
  • Dùng tiết kiệm điện, nước, ga tránh lãng phí. 
  • Để ý, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo thiện cảm với các bạn xung quanh, việc này cũng giúp cho các bạn nếu thuê nhà tiếp theo sẽ tốt và dễ dàng hơn, và cả các bạn du học sinh Việt Nam sau này cũng sẽ thuê được nhà tốt và dễ dàng hơn. 

5. Kết thúc hợp đồng

  • Thông báo với chủ nhà trước khi chuyển đi, thời gian cần thông báo trước tuỳ theo hợp đồng đã ký (ví dụ: báo trước 01 tháng)
  • Trả các khoản tiền còn nợ.
  • Kiểm tra lại các khoản tiền còn phải trả của các hoá đơn điện nước…
  • Mang theo các đồ đạc của bản thân.
  • Chụp lại ảnh phòng/ nhà sau khi chuyển hết đồ đạc bản thân ra, gửi cho chủ nhà để so sánh điều kiện trước khi thuê và sau khi dọn ra.
  • Dọn dẹp sạch sẽ lại phòng trả lại tình trạng ban đầu.
  • Hỏi chủ nhà việc trả lại tiền đặt cọc.

C. Giải quyết tranh chấp

1. Cách thức giải quyết khi có tranh chấp

Khi tiền bạc, việc ở chung và những tính cách khác nhau kết hợp lại, đôi khi các mâu thuẫn có thể nảy sinh. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Dưới đây là một số bước đơn giản bạn có thể cân nhắc khi đối mặt với bất đồng với bạn cùng nhà hoặc chủ nhà của mình:
a. Thảo luận 
  • Nếu một vấn đề đã phát sinh hoặc bạn nghĩ rằng nó có thể xảy ra trong tương lai, bước đầu tiên luôn là thảo luận ngay với người liên quan 
  • Hình thức có thể là một cuộc nói chuyện trực tiếp, trao đổi qua email, gọi điện thoại hoặc thậm chí qua tin nhắn. Phần lớn các vấn đề có thể được giải quyết theo cách này và kết thúc bằng một thỏa thuận phù hợp giữa các bên. Bạn nên tóm tắt thoả thuận này và gửi đến các bên liên quan để các bên có thể xác nhận lại thông tin, tránh bị quên. 
b. Thương lượng
  • Nếu vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng thảo luận không chính thức, có thể cần một cuộc trao đổi sâu hơn. Điều này sẽ giúp mỗi người hiểu rõ hơn về những lo ngại của nhau và từ đó có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt hơn. 
  • Thường thì khi mỗi bên nhận ra vấn đề ảnh hưởng đến người kia như thế nào, không chỉ họ sẵn sàng tìm ra giải pháp chung mà còn có thể đề xuất những cách khác nhau để giải quyết vấn đề. 
c. Tư vấn pháp lý
  • Nếu vấn đề không thể giải quyết chỉ giữa những người liên quan, bước tiếp theo có thể là tìm kiếm tư vấn pháp lý. Đối với một số vấn đề, điều này có thể đơn giản như đọc các hướng dẫn pháp lý liên quan để hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ chung của bạn và người kia. 
  • Trong những tình huống nghiêm trọng hoặc phức tạp hơn, bạn có thể cần liên hệ với các dịch vụ pháp lý để nhận được lời khuyên cụ thể cho tình huống của mình. 
e. Hòa giải
  • Với đại diện pháp lý (hoặc một người trung gian) tư vấn và hành động thay mặt bạn, việc giải quyết vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sử dụng đại diện pháp lý của bạn để tiếp tục thương lượng với người còn lại. 
  • Họ cũng có thể thiết lập một buổi hòa giải giữa bạn và người kia và đại diện cho bạn. Việc loại bỏ bản thân khỏi cuộc thảo luận cũng có thể giúp bạn loại bỏ những cảm xúc cá nhân liên quan đến vấn đề. 

2. Các cơ quan bảo vệ quyền lợi người thuê

  • Hành động pháp lý chính thức tại tòa hoặc ủy ban nên là giải pháp cuối cùng. Tất cả các bang và vùng lãnh thổ đều có Tòa án, Ủy ban hoặc cơ quan pháp lý để xét xử tranh chấp và đưa ra quyết định về hợp đồng thuê nhà. Trong hầu hết các trường hợp, đây sẽ là nơi giải quyết các tranh chấp về thuê nhà. 
  • Các phiên xét xử tại Ủy ban hoặc Tòa án thường được thiết kế khác với phòng xử án chính thức - quy trình sẽ thoải mái hơn và bạn có thể tự đại diện mà không cần luật sư. Các tranh chấp thường được giải quyết một cách nhanh chóng và thực tế. Bạn nên đọc thông tin do chính quyền bang hoặc vùng lãnh thổ của bạn cung cấp để biết thêm về quy trình tại Ủy ban, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. 
  • Dưới đây là thông tin liên hệ các Tòa án, Ủy ban hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan tại các bang ở Úc: 
New South Wales
Queensland
South Australia
Western Australia
Tasmania
Australian Capital Territory
Northern Territory

D. Cảnh báo Scam (lừa đảo)

1. Các dấu hiệu nhận biết lừa đảo cần lưu ý:

  • Chủ nhà không cho đi xem nhà, hoặc đưa ra nhiều lý do để từ chối (đang ở nước ngoài, đang sửa nhà…)
  • Phòng thuê đẹp, nhưng giá thuê rẻ bất ngờ so với những phòng thuê cùng trong khu vực.
  • Chủ nhà yêu cầu chuyển tiền trước khi xem nhà.
  • Chủ nhà đưa nhiều giấy tờ cá nhân (hộ chiếu, bằng lái xe, giấy tờ nhà…), để tạo sự yên tâm với người thuê. (tại Úc phần lớn các chủ nhà sẽ không cung cấp giấy tờ cá nhân, giấy tờ sở hữu nhà…)
  • Chủ nhà đưa ra ưu đãi khi đóng tiền nhiều tháng 1 lần.

2. Cách tự bảo vệ khỏi lừa đảo:

  • Kiểm tra giá thuê: so sánh giá thuê với mặt bằng chung trong khu vực, “tiền nào của nấy” đặc biệt là đi thuê nhà, với những nhà giá rẻ luôn cần kiểm tra kỹ càng. 
  • Luôn xem nhà trực tiếp: nên nhờ bạn bè người thân tại úc đi xem hộ nếu bạn chưa qua, không bao giờ chuyển tiền khi chưa xem nhà. 
  • Liên hệ công ty uy tín: nên làm việc với các công ty uy tín về thuê nhà.
Bắt đầu hành trình du học thành công 
với Student Life Care