Cách quản lý tài chính khi đi du học ÚC


Những vấn đề về chi tiêu và quản lý tài chính luôn là điều khiến cho hầu hết các du học sinh phải đau đầu. Sinh sống và học tập ở một đất nước xa lạ, phải tự lập trong tất cả mọi thứ từ tiền nhà, tiền sinh hoạt đến tiền ăn chơi nhảy múa. Vì vậy, các bạn du học sinh cần có một chiến lược quản lý tài chính để có thể chi tiêu một cách hợp lý và tiết kiệm hơn. 

Theo dõi chi tiêu 

Để có thể quản lý tài chính của bản thân, bạn cần phải nắm rõ thói quen chi tiêu của mình như thế nào. Trước hết, hãy theo dõi và ghi lại từng giao dịch mà bạn thực hiện mỗi ngày. Các bạn nên giữ cho mình một cuốn sổ để có thể ghi lại tất cả các lần chi tiêu. Có 2 cách bạn có thể làm:  

  1. Thứ nhất, nếu bạn là người hay dùng thẻ, hãy lên app ngân hàng trên điện thoại hoặc website để xem lại và ghi lại những lần tiền bay ra khỏi tài khoản. 
  2. Với mọi giao dịch, bạn hãy giữ lại hóa đơn và tổng hợp lại sau mỗi ngày.

Nước Úc là một nơi rất chuộng giao dịch bằng thẻ, chỉ cần tap hoặc insert thẻ là bạn có thể thực hiện giao dịch ngay tức thì, thậm chí có rất nhiều bạn du học sinh quen tap thẻ mà không biết giá tiền chính xác là bao nhiêu. Vì vậy các bạn thật sự cần phải theo dõi sát sao khi chi tiêu. 

Bằng những cách này, bạn có thể nắm rõ mức tiêu trung bình mỗi ngày của mình. Khi tổng hợp lại và thấy chi tiêu vượt quá mức trung bình thì bạn cần điều chỉnh và kìm hãm lại ngay lập tức

Đặt mục tiêu tiết kiệm 

Khi đã nắm bắt được thói quen chi tiêu và mức chi tiêu trung bình, bạn có thể đưa ra các mục tiêu tiết kiệm. Mục tiêu có thể cho 1 tuần, 1 tháng hoặc thậm chí từ 3 - 6 tháng. Để làm được điều này, bạn nên liệt kê ra các nhu cầu chi tiêu thành các nhóm và set mức chi tiêu tối đa cho các nhóm đó.  

Phân bổ ngân sách theo nhu cầu 

Sau khi đặt ra mục tiêu, nên phân chia ngân sách cho từng như cầu như thế nào cho hợp lý?

Nhu cầu ăn chơi, giải trí

Đây có thể gọi là một nhu cầu đầy rẫy những sự cám dỗ. Khi chi tiền vào khoản này, bạn cần phải tỉnh táo và cân nhắc thật kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định vung tiền. Có rất nhiều món đồ nhìn lướt qua thôi là muốn mua ngay và có những buổi đi chơi ăn uống, xem phim với bạn bè mà bạn không muốn bỏ lỡ. Khi rơi vào tình trạng này, hãy nhìn lại budget của mình, mức tiêu pha trong ngày hôm đó và từ đó tự xem xét xem mình có nên cho phép bản thân mua và tiêu tiền vào những thứ này không. Trước khi có ý định tiêu tiền, hãy tự hỏi mình "Liệu có thực sự cần thứ này không?".

tìm nhà ở tại Úc

Nên kìm hãm những cám dỗ tiêu tiền nhất là khi đi shopping. Nguồn: Hello Bacsi

Đừng quyết định tiêu nhiều trong ngày hôm nay rồi ngày mai bạn hứa sẽ chi tiêu ít đi để cân bằng mọi thứ. Không! Điều này chứng tỏ bạn đang không đi theo mục tiêu của mình và không cam kết cẩn thận với kế hoạch mà chính bạn đề ra. 

Nhu cầu ăn uống 

Một nhu cầu thiết yếu mà ai cũng cần để sinh tồn. Để tiết kiệm, bạn hãy dành thời gian đi chợ và tự nấu ở nhà thay vì đi ăn ở ngoài. Bạn có thể rủ bạn bè qua nấu chung và ăn chung rôi chia đều tiền đi chợ. Bằng cách này, bạn không những tiết kiệm được chi phí mà còn được tụ tập ăn uống với bạn bè tại nhà nữa. 

Tất nhiên là sẽ có những lúc bạn bè rủ đi ăn đi chơi ở ngoài, khi đó, bạn hãy set một khoản nhỏ mỗi tuần để có thể đi ăn uống với bạn bè. Kể cả có 1 tuần không đi ăn ngoài lần nào thì bạn vẫn có một khoản nhỏ dư ra để chi tiêu những thứ khác thoáng hơn 1 chút. 

Nhu cầu đi lại 

Đây là cũng là một nhu cầu thiết yếu đối với tất cả các bạn du học sinh. Trong khoản này, chủ yếu tiền sẽ được chi vào các phương tiện công cộng như bus, tàu, phà. Thường khi bạn đăng kí thẻ đi phương tiện công cộng, seẽ có một dãy số nhất định in trên thẻ và bạn có thể đăng kí thẻ bằng dãy số đó trên website và track xem một tuần trung bình mình chi bao nhiêu cho việc di chuyển. 

tìm nhà ở tại Úc

Tiết kiệm chi phí bằng cách thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng. Nguồn: Il Globo  

Chủ yếu nhu cầu đi lại của các bạn du học sinh khá là đều đặn. Từ nhà đến trường, trường về nhà, đi làm, đi chơi,...Tuy nhiên dù chi tiêu cho nhu cầu này khá ổn định, bạn cũng vẫn nên để dành một ít phòng trường hợp khẩn cấp như đi học, đi làm muộn hoặc thời tiết xấu cần di chuyển gấp, bạn buộc phải bắt taxi hoặc Uber. 

Nhu cầu nhà ở 

Cũng rất thiết yếu nhưng cũng khá ổn định. Khi bắt đầu thuê nhà bạn đều phải trả một số tiền nhất định hàng tuần cho agent/chủ nhà nên khoản này không bao giờ thay đổi (cho tới khi bạn chuyển chỗ ở mới). Tuy nhiên đối với những bạn thuê nhà không bao điện, nước, Internet, các bạn cần phải trả riêng cho một bên thứ ba và tất nhiên là các khoản này sẽ có thể thay đổi theo tuần/tháng/quý. 

Ví dụ: Vào mua hè của Úc, thời tiết rất nóng kể cả trong nhà, tần suất sử dụng điều hòa tăng khiến cho tiền điện cũng tăng theo. 

Nhu cầu học tập 

Sách, sổ ghi chép, dụng cụ học tập và ti tỉ các thứ khác liên quan đến học hành đều khá là đắt tại Úc. Đặc biệt là sách giáo khoa, nếu bạn chưa biết, có hai cách sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền mua sách: 

  1.  Truy cập trang web http://gen.lib.rus.ec/. Đây là một nguồn tài nguyên sách vô tận. Bạn có thể tìm kiếm sách điện tử và tải về miễn phí.
  2. Hỏi mua sách đã sử dụng từ những người khóa trên từng học môn đó bằng cách lên các Facebook group của trường (group do các sinh viên tạo ra để bán đồ, trao đổi đồ, chia sẻ kinh nghiệm môn học, ngành học) để hỏi mua sách. 

tìm nhà ở tại Úc

Sử dụng sách điện tử (E-book) giúp thuận lợi hơn cho các bạn du học sinh. Nguồn: BAREZH

Đối với những bạn thực sự muốn mua sách vì cảm thấy sẽ dễ dàng trong quá trình học hơn, các bạn có thể giữ cuốn sách đó cho sau này hoặc bán lại cho các sinh viên khác cũng đang cần.

Đưa ra chiến lược là một vấn đề, việc bạn có thực hiện được hay không là một điều cực kì quan trọng. Những bước này không chỉ giúp các bạn khi đi du học mà còn cho cuộc sống sau này nữa. Nếu các bạn nắm rõ kế hoạch chi tiêu của mình và quyết tâm thưc hiện, chả mấy chốc tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt. 

Các bài liên quan khác